Dân vận khéo ở Sinh Long

Thứ Tư, ngày 22 tháng 9 năm 2021 - 17:03 Đã xem: 810

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua xã Sinh Long (Na Hang) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo nhằm lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Chăm sóc cây chè Shan Tuyết đang là cách để nhân dân Sinh Long cùng nhau phát triển kinh tế.

Sinh Long có trên 90% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao, Mông, Tày... Trong đó, dân tộc Dao chiếm gần 74% dân số. Địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hiểm trở, dân cư ở phân tán, trình độ nhận thức chưa đồng đều, nên việc phát triển kinh tế - xã hội của xã còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Sùng Văn Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ủy xã xác định công tác dân vận và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Công tác này được cấp ủy triển khai linh hoạt, phù hợp theo từng địa bàn, khu dân cư với những đặc thù về dân tộc, điều kiện kinh tế, dân trí... Qua đó, thúc đẩy các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Từ 2016, sau khi được đầu tư các tuyến đường giao thông dần kiên cố, giao thương buôn bán thuận lợi nên chính quyền xã đã có những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng đồi núi có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thôn Phiêng Ten nổi tiếng với phong trào nuôi trâu, bò vỗ béo. Nhận thấy đây là tiềm năng, nên thôn đã thực hiện vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò. Các tổ chức đoàn thể đã đứng ra hỗ trợ bà con vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, ở thôn hiện nay hầu như nhà nào cũng có từ 2 đến 3 con trâu, bò. Toàn thôn hiện có 33 hộ dân thì có tới 10 hộ có hơn chục con trâu, bò.

Ông Lầu Văn Ló có nhiều trâu nhất thôn cho biết, nhờ chăn nuôi trâu mà mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Trước đây gia đình ông cũng có lúc đói lúc giáp hạt, nhưng từ ngày nuôi trâu đã không còn tình trạng đó nữa. Chăn nuôi hiệu quả, ông Ló cũng phổ biến kinh nghiệm cho các hộ dân trong thôn cùng làm theo. Nhờ chăn nuôi hiệu quả đã giúp nâng cao thu nhập của người dân trong thôn, hiện số hộ nghèo của thôn còn 5 hộ.

Đoàn viên xã Sinh Long tham gia vận chuyển, lắp ráp đồ dùng, đồ chơi tại điểm trường Tiểu học Trung Phìn.

Thôn Phiêng Ngàm được gọi là thôn cơ giới hóa, toàn thôn hiện có trên 120 hộ dân thì có tới 100 chiếc máy cày mini. Cũng nhờ cơ giới hóa, diện tích lúa của thôn luôn được thâm canh tăng vụ, người dân đã trồng được cả 3 vụ, không còn đất để hoang. Những cây chè Shan tuyết cổ thụ trong thôn cũng ngày càng tươi tốt. Gia đình ông Hoàng Phin hiện có trên 20 ha chè Shan tuyết, trước đây gia đình ông thuộc hộ nghèo, nhưng sau khi khôi phục cây chè Shan tuyết, gia đình ông đã đầu tư chăm sóc diện tích chè cổ thụ. Hiện mỗi năm gia đình ông cũng thu được hơn 7 tấn chè búp tươi, doanh thu đạt khoảng hơn 50 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Dành, Trưởng thôn Phiêng Ngàm cho biết, từ những mô hình kinh tế hiệu quả như gia đình ông Hoàng Phin, thôn đã xây dựng thành công những điển hình để người dân học tập, làm theo. Việc cơ giới hóa sản xuất được như hiện nay cũng là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền định hướng đúng đắn và đẩy mạnh thành phong trào thi đua, khi thấy rõ hiệu quả nên bà con đã mạnh dạn làm theo.

Đến nay, toàn xã Sinh Long duy trì và xây dựng được 75 mô hình điển hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, 31 mô hình ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, 14 mô hình lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Một số mô hình điển hình có thể kể đến như: làm đường giao thông nông thôn vào thôn Phiêng Ngàm; phong trào nuôi trâu, bò của Chi hội nông dân thôn Phiêng Ten; xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh tại thôn Lũng Khiêng; Chi hội Phụ nữ thôn Lũng Khiêng chăm sóc đoạn đường tự quản, xây dựng phong trào 5 không 3 sạch…

Trên lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trong việc động viên nhân dân tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng dân cư. Toàn xã hiện có 580 hộ dân, tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa chiếm 85%, 6/8 thôn đạt thôn văn hóa. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư văn hóa” để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Chị Ninh Thị Loan, đoàn viên Chi đoàn thôn Lũng Khiêng kể, hàng tháng chi đoàn thường xuyên tổ chức hoạt động tình nguyện tại các gia đình khó khăn, vận chuyển vật liệu xây dựng các điểm trường như trường Tiểu học Trung Phìn, tham gia tuyên truyền cho nhân dân về chống dịch Covid-19, gia đình nào có khó khăn đều có đoàn viên đến giúp đỡ kịp thời.

Trong phong trào dân vận khéo tại xã Sinh Long phải kể đến sự đóng góp của Chi hội Phụ nữ thôn Lũng Khiêng về chăm sóc đoạn đường tự quản của thôn. Chị Bàn Thị Pham, Chi hội trưởng chia sẻ, toàn thôn có 89 hội viên, chăm sóc đoạn đường dài 950 m, mỗi tuần 1 lần chị em đều phân công nhau quét dọn, vệ sinh 2 bên đường giao thông, cùng nhau có ý thức nhắc nhở mọi người bảo vệ con đường luôn sạch sẽ, an toàn... Việc tuy nhỏ, nhưng ai cũng cảm thấy vui vì được đóng góp công sức của mình vì công việc chung.

Nhờ thực hiện tốt “Dân vận khéo”, xã Sinh Long đã khơi dậy được ý thức của nhân dân trong tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương. Đồng thời tạo được mối liên hệ khăng khít giữa chính quyền với nhân dân. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 13 triệu đồng/người/năm, con số tuy nhỏ so với mặt bằng chung, nhưng đó là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã.

Nguồn Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /