Xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam: Chiêu bài quen thuộc của các thế lực thù địch

Thứ Sáu, ngày 28 tháng 10 năm 2022 - 14:21 Đã xem: 1816

Hiện nay (2022), Việt Nam có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) được công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ các tôn giáo ước khoảng 27 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước…

Nhiều cơ sở thờ tự được trùng tu, xây mới

Trong những năm qua, tình hình đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước những năm đổi mới (1986). Nếu như trước đổi mới, các tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hầu như hoạt động trầm lắng, số lượng tín đồ ít, cơ sở thờ tự ít được trùng tu, xây dựng, các hoạt động tôn giáo ít được tổ chức, thậm chí tín ngưỡng, tôn giáo khi đó được xem là mê tín dị đoan, nhiều cơ sở thờ tự được trưng dụng để làm công trình phục vụ cộng đồng, nhiều cơ sở thờ tự còn bị phá hủy...

Thế nhưng, tình hình biến chuyển sâu sắc kể từ đổi mới đến nay. Số lượng các tôn giáo, số lượng tín đồ, chức sắc tăng lên nhanh chóng. Hiện nay (2022), Việt Nam có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) được công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ các tôn giáo ước khoảng 27 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước. Các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được trùng tu, xây dựng mới với quy mô to đẹp, khang trang hơn trước rất nhiều.

Các hoạt động tôn giáo được tổ chức một cách thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng tín đồ và người dân cả nước. Nhiều hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế đã được tổ chức ở Việt Nam, thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Chẳng hạn như Đại lễ Vesak của Phật giáo thế giới đã được tổ chức 3 lần ở Việt Nam. Đối với Công giáo, Hội nghị toàn thể lần thứ X Liên hội đồng Giám mục Á Châu đã được tổ chức tại Việt Nam.

Đối với Tin Lành, năm 2017 đã tổ chức Lễ kỷ niệm 500 năm Tin Lành tại Hà Nội, sự kiện này đã thu hút khoảng 10.000 người tham gia. Một vài ví dụ vừa nêu để cho thấy, đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn thay đổi so với trước, các tôn giáo được tự do hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được tôn trọng, đảm bảo. Tín đồ các tôn giáo là người dân tộc thiểu số, sống ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… cũng đều được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo.

Nhiều hoạt động tôn giáo, lễ hội tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đối với tín đồ, mà giờ đây còn ảnh hưởng đến các tầng lớp trong xã hội. Chẳng hạn, Noel đã trở thành một dịp lễ, một sinh hoạt văn hoá trong cộng đồng xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ.

Nhiều hoạt động xuyên tạc, chống phá

Trước thực tế đời sống tôn giáo cởi mở ở Việt Nam như vậy, thế nhưng các thế lực thù địch vẫn không ngừng phê phán tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam chính quyền vẫn hạn chế tôn giáo, bắt giam những nhân vật tôn giáo, không cho những nhóm tôn giáo được đầy đủ các quyền như các tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Cách tiếp cận của các thế lực thù địch là cố gắng tìm kiếm những hạn chế, cho dù là rất nhỏ trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam để biến những hạn chế rất nhỏ ấy thành bản chất.

Các thế lực thù địch tìm cách tiếp xúc với những cá nhân, nhân vật bất mãn trong các tôn giáo (có những nhân vật đã bị chính các tổ chức tôn giáo tẩy chay) để phỏng vấn, lấy những quan điểm, nhận xét của các nhân vật này để làm “bằng chứng” vu cáo Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ở Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành năm 2016), đã quy định rất rõ: Để được công nhận về mặt tổ chức, các nhóm tôn giáo phải đáp ứng các yêu cầu đã được quy định rất rõ trong Luật. Do vậy, khi các nhóm, tổ chức tôn giáo chưa đáp ứng được yêu cầu, thì khi đó chính quyền chưa xem xét công nhận tư cách pháp nhân. Khi nào có đủ điều kiện sẽ được công nhận.

Tuy nhiên, các quan điểm thù địch lại cho rằng, Nhà nước phải công nhận tất cả những tổ chức đó, cho dù họ chưa có đủ các điều kiện. Đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, can thiệp vào pháp luật Việt Nam, và đó là điều không thể chấp nhận. Khi nhìn ra nhiều nước trên thế giới, họ cũng có những quy định rất rõ về việc công nhận các tổ chức tôn giáo.

Quan điểm của các thế lực thù địch, như vừa trình bày ở trên, rõ ràng là sự xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam một cách trắng trợn nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị. Điều mà các thế lực thù địch mong muốn đạt được khi xuyên tạc, vu cáo tình hình tôn giáo ở Việt Nam đó là, làm cho tình hình tôn giáo ở Việt Nam trở lên phức tạp, kích động, thúc đẩy những mâu thuẫn trong các tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau; kích động những nhân vật tôn giáo bất mãn, cực đoan lôi kéo những người khác gây mâu thuẫn, xung đột, chống đối, biểu tình … gây ra những phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang cho người dân, tạo ra những điểm nóng về tôn giáo, về trật tự xã hội… để từ đó có cớ can thiệp, thổi phồng, quốc tế hóa…

Kịp thời cung cấp thông tin

Âm mưu của các thế lực thù địch rất thâm độc bởi chúng luôn tập trung mũi nhọn vào lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó, tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, nhận thức của người dân nói chung, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên là rất hạn chế. Chính vì vậy, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí… cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để góp phần nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của các thế lực thù địch là hạ thấp quy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ngăn cản Việt Nam được bầu vào các Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, chia rẽ gây mất đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, tạo ra các cuộc bạo loạn, lật đổ, ly khai, xoá bỏ chế độ và vai trò lãnh đạo của Ðảng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần thông tin đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; những thành tựu, kết quả trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đồng thời, thông tin kịp thời về vai trò, giá trị, những đóng góp của các tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Mặt khác, cũng cần quan tâm giáo dục, nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các thế hệ trẻ, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên về tín ngưỡng, tôn giáo, về giá trị tốt đẹp của các tôn giáo. Đây không chỉ là việc làm nhằm góp phần nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái thù địch về tôn giáo ở Việt Nam, mà còn góp phần hạn chế những nhận thức, thực hành tôn giáo sai lệch hiện nay.

Nguồn Báo Tiền Phong

Xem tin theo ngày:   / /