Một số điểm mới về quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

Thứ Năm, ngày 19 tháng 8 năm 2021 - 10:03 Đã xem: 47443

Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2021 và thay thế Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo đó, tại Chương V của Nghị định quy định việc đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như sau:

Về trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các nội dung quy định về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà người sử dụng lao động không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải được phổ biến công khai tới người lao động.

Về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc: Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ Luật Lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc các nội dung chủ yếu về nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc; số lượng, thành phần tham gia đối thoại; số lần, thời gian tham gia đối thoại hằng năm; cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc; trách nhiệm của các bên khi tham gia đối thoại; nội dung khác (nếu có)... Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cử đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định; bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc; báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại (Bên người sử dụng lao động: Ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Bên người lao động: Ít nhất 03 người, nếu người lao động sử dụng dưới 50 người lao động. Ít nhất từ 04-8 người, nếu người lao động sử dụng từ 50 người lao động đến dưới 150 người lao động. Ít nhất từ 9-13 người, nếu người lao động sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động. Ít nhất từ 14-18 người, nếu người lao động sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao động. Ít nhất từ 19-23 người, nếu người lao động sử dụng từ 500 người lao động đến dưới 1000 người lao động. Ít nhất 24 người, nếu người lao động sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên). Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại được thực hiện định kỳ 2 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc. Khi đối thoại 2 bên thống nhất mời tất cả người lao động hoặc một số người lao động liên quan cùng tham gia đối thoại. Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có). Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

 

 

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nguyên tắc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: (1) Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch. (2) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. (3) Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Quy chế dân chủ phải quy định cụ thể nội dung, hình thức người sử dụng lao động phải công khai; nội dung, hình thức người lao động được tham gia ý kiến; nội dung, hình thức người lao động được quyết định; nội dung, hình thức người lao động được kiểm tra, giám sát. Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc; số lượng, thành phần tham gia đối thoại; số lần, thời gian tham gia đối thoại hằng năm; cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc. Hình thức tổ chức, nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm, quy trình thực hiện Hội nghị người lao động.

Đối với người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị người lao động và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Thanh Huyền - Ban Dân vận Tỉnh ủy

Xem tin theo ngày:   / /