Vận dụng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" ở Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 19 tháng 12 năm 2022 - 15:20 Đã xem: 4377

Trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam". Làm rõ, hoàn thiện lý luận, thể chế hóa, phát huy phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong thực tiễn đời sống xã hội là vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi hiện nay.

Đây chính là nội dung tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân"; "Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân"; "cán bộ, đảng viên là công bộc của dân". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nêu rõ: Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phươ]ng thức hoạt động, tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội. Thực hiện tốt công tác tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước…". Tỉnh Tuyên Quang luôn ý thức được vai trò của nhân dân đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ trực tiếp trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện để nhân dân được trực tiếp tham gia từ quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và được hưởng thành quả từ các chương trình; việc xây dựng các nghị quyết, đề án đều xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp đã thường xuyên tham mưu cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 145/2020-NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nội dung, phương thức hoạt động, công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng  được nâng lên. Công tác đối thoại của người đứng đầu, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp, các ngành coi trọng.

Do thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hành đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" đã góp phần thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiêu biểu như: Việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về điều chỉnh địa giới hành chính; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp thôn, tổ dân phố đảm bảo dân chủ, đúng quy định. Thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện dân chủ trong bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội…Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới - đô thị văn minh"; tỉnh đã vận hành tốt phương châm "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ"; Tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định trực tiếp vào các chủ trương, mức đóng góp ngày công lao động, tiền mua nguyên vật liệu, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi…Đã hoàn thành hàng ngàn km đường giao thông nội đồng, hàng ngàn km kênh mương nội đồng, trên 1.600 nhà văn hóa thôn bản, tổ nhân dân; năm 2022, hỗ trợ trên 2.400 hộ gia đình xóa nhà dột nát, nhà tạm. Trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp bằng tiền, vật liệu xây dựng, hiến đất, ngày công lao động trị giá hàng ngàn tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng số kinh phí xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên chính là là nhờ thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" đã phát huy được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện xây dựng các công trình tại cơ sở. Thực hiện tư tưởng "Gần dân, học dân, hết lòng phục vụ nhân dân" theo Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2021-2022, có hơn 80 ngàn lượt cán bộ, đảng viên, cán bộ lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về thôn bản tham gia lao động, sinh hoạt văn hóa, tinh thần với nhân dân; vừa tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa tạo mối gắn kết với nhân dân, được nhân dân ghi nhận.

Trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tới nhân dân, tỉnh chú trọng quan điểm của Tổng bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng  phát biểu tại Hội nghị triển khai các quan điểm Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết về công tác dân vận, đó là: "Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng, trình độ của nhân dân. Ngay cả khi trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân, kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống"…Do chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với thực hiện công khai dân chủ nên việc giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều được nhân dân đồng thuận, không có trường hợp phải sử dụng biện pháp hành chính cưỡng chế. Có thể khẳng định, kết quả thực hiện quy chế dân chủ, vận dụng vào thực tiễn phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" tại Tuyên Quang đã và đang tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

                                                                                                      Lê Văn Quốc                                                                                                                    Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy

Xem tin theo ngày:   / /