Chiều 27-5, Thường trực HĐND tỉnh đã hoàn thành Phiên họp thứ 34 thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh (từ tháng 1 năm 2021 đến hết quý I năm 2024).
Chủ trì phiên chất vấn có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham gia phiên chất vấn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo thực hiện; chính sách cho trẻ em được thực hiện kịp thời, đầy đủ; chú trọng tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em có cơ hội được đảm bảo các quyền cơ bản, được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến lớp, đến trường, được chăm sóc sức khỏe theo quy định; quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhận thức của một số cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác bảo vệ trẻ em có lúc chưa đầy đủ, còn nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, số vụ án, vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng lên hàng năm.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, người chưa thành niên mang thai, sinh con, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Tình trạng tảo hôn, người chưa thành niên mang thai, sinh con, người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn nhiều. Sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị để tham mưu có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên, có việc chưa hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo còn hạn chế; việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm có việc chưa chặt chẽ, chưa nghiêm minh. Nhân lực trong công tác trẻ em còn nhiều khó khăn; thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các xã, thị trấn còn thiếu.
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn.
Tại phiên chất vấn, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn UBND tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương về trách nhiệm quản lý Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể ở cơ sở đối với thực trạng và giải pháp khắc phục về những tồn tại hạn chế trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Công an tỉnh trao đổi nội dung đại biểu chất vấn.
Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã trả lời, làm rõ, phân tích nguyên nhân, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nội dung công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp về tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong triển khai các nội dung công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi...
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các huyện, thành phố tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; bố trí nguồn nhân lực làm công tác trẻ em; cung cấp dịch vụ, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực trẻ em các cấp; bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em...
Nguồn Báo Tuyên Quang Online