Nhiều chính sách thiết thực, ý nghĩa
Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, huyện đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Các chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ. Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Giai đoạn 2019-2023, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế như Chương trình 30a, 135, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, các Chương trình mục tiêu quốc gia… với tổng số vốn trên 420 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư, sửa chữa trên 150 công trình; hỗ trợ đất ở cho 17 hộ gia đình, đất sản xuất cho 36 hộ; hỗ trợ 897 hộ chuyển đổi nghề; đầu tư 2.433 công trình nước sạch phân tán... Nhờ đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55,91% xuống còn 40,93%, bình quân giảm 7,5%/năm theo chuẩn nghèo mới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với Nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình.
Cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo đối với học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đồng chí Chẩu Văn Giai, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình cho biết, hàng năm, Phòng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện rà soát các đối tượng học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ theo các Nghị định của Chính phủ; đồng thời kịp thời thẩm định, tổng hợp các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh trình UBND huyện phê duyệt và phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả kinh phí hỗ trợ cho học sinh đúng quy định.
Đến nay kết quả giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, tỷ lệ học sinh xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98%; học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 98%; tốt nghiệp THPT đạt 86%. 10/10 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp học; 12 trường đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, thông tin tuyên truyền đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, gắn kết và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2024-2029, huyện Lâm Bình xác định ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa huyện với các huyện trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tiếp tục xây dựng và củng cố khối đoàn kết dân tộc.
Cụ thể, huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5%/năm; đảm bảo 100% đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ sử dụng điện thường xuyên; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện tốt chính sách về giáo dục – đào tạo và y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Bình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Cùng với đó, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng địa phương, từng dân tộc. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng viên trong đồng bào dân tộc.
Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình, huyện sẽ huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn và các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực: Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển sản xuất; thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển nguồn lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong huyện, giữa các dân tộc trên địa bàn.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình đã tạo ra những bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, nâng cao đời sống của người dân. Điều đó càng làm nhân lên niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang