Câu chuyện Trưởng thôn Phan Văn Chiến mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp ngân hàng để lấy 20 triệu đồng, giúp bà con kéo điện thắp sáng về thôn từ thập kỷ trước đến nay vẫn được bà con thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) nhắc đến như một kỳ tích. Bao năm qua, thôn xóm giờ đã “thay da đổi thịt” nhưng ông Chiến vẫn hăng say lao động, giúp cho nhiều hộ dân ở thôn có cuộc sống khấm khá từ mô hình nuôi ong, nuôi nhím. Ông trở thành người có uy tín, là “bóng cả”, điểm tựa niềm tin của xóm làng.
Thế chấp sổ đỏ lấy tiền... làm điện thắp sáng cho dân
Trong căn nhà sàn bê tông nho nhỏ, rót chén trà đặc, ông Chiến bộc bạch: “Tôi năm nay tròn 70 tuổi, là người con dân tộc Cao Lan sinh ra và lớn lên ở đất này. Tôi từng là Trưởng thôn từ năm 1990, làm Bí thư Chi bộ thôn từ năm 2012 đến năm 2019. Từ năm 1999 - 2004, tôi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lưỡng Vượng khóa XVIII sau đó tôi về nghỉ. Suốt thời gian công tác, tôi đã đi khắp các ngõ thôn, nắm bắt, giải quyết biết bao sự việc của thôn. Cuộc đời tôi đã gắn bó với bà con dân làng thôn Cổ Ngựa (nay là thôn 1), cuộc sống cũng như tâm trí của tôi phần nhiều dành để đóng góp cho việc vận động, đổi thay của dân làng Cao Lan và cảm nhận tiếng lòng của đồng bào nơi đây”.
Ông Phan Văn Chiến.
Trên vầng trán lấm tấm những giọt mồ hôi chực rơi xuống mắt, ông Chiến nhớ lại: “Trước năm 1993, đường vào thôn là con đường đất rất nhỏ. Cây cối, cỏ dại hai bên đường rậm um tùm. Mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì gập ghềnh những ổ gà, ổ trâu. Ban ngày đã khó, trời tối đi lại càng khó khăn hơn. Nhất là việc di chuyển ra khu vực trung tâm hay giao thương với bên ngoài gặp nhiều cách trở. Thiếu thốn đấy mà các tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi... lại càng làm cho cuộc sống của đồng bào nơi đây thêm vất vả. Kéo điện thắp sáng về thôn là niềm khát khao không chỉ của riêng tôi. Tôi tổ chức họp, bàn bạc với bà con về việc kéo 800 m đường điện ở trục đường chính, mỗi hộ đóng góp 600 nghìn đồng. Bà con đều hào hứng lắm nhưng nói thu tiền thì chưa ai có để nộp ngay. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp với ngân hàng được 20 triệu đồng. Tôi đem mua dây, mua cột, mua bóng điện rồi phân công cán bộ thôn, vận động bà con cùng góp công, góp sức để “thắp sáng đường quê”. Tuyến đường làm xong chỉ trong vài ngày”.
Ông Trần Văn Học, người dân ở thôn vẫn nhớ như in cảm xúc hôm đó. Ông Học bảo: “Tuyến đường làm xong, bà con ai cũng thích. Nhờ có ông Chiến có lòng, biết cách làm nên bà con được nhờ. Về sau chúng tôi đều đóng góp đầy đủ tiền để trả cho ông Chiến. Nhận thấy lợi ích mà đường điện thắp sáng mang lại, khi ông Chiến vận động, chúng tôi lại tiếp tục đóng góp và kéo điện thắp sáng ra khắp các đường nhánh của cả thôn. Đây cũng chính là tiền đề để sau này, khi ông Chiến triển khai làm đường bê tông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn, làm sân bóng nhà văn hóa thôn hay làm đường bê tông nội đồng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, ai nấy đều rất ủng hộ. Có hộ còn tự nguyện hiến đất để làm nhà văn hóa”.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã Lưỡng Vượng và ông Chiến đến thăm mô hình chăn nuôi nhím nhà bà Trần Thị Bắc.
Giúp dân làm giàu
Năm 2009, bò rớt giá, không có đất để chăn thả. Ông Chiến tìm hiểu kinh nghiệm về chăn nuôi nhím. Mặc dù nuôi nhím không phải là mô hình mới nhưng thấy nhiều nơi chăn nuôi và phát triển ngành nghề này có hiệu quả nên ông Chiến quyết định bán 6 con bò trưởng thành để mua 5 con nhím giống. Vừa nuôi ông vừa tự mày mò, rút kinh nghiệm. Ông nhận thấy, nhím dễ nuôi, thức ăn đa dạng, dễ kiếm như: rau, ngô, sắn, lá đu đủ... Không mất nhiều thời gian chăn nuôi. Nhím đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Chỉ sau 1 năm, ông đã bán được 17 triệu đồng/đôi nhím con. Có tiền, ông tiếp tục đầu tư mua nhím cái và nhân giống. Hiện ông đã phát triển được 4 chuồng nhím, với 50 con, trong đó có 22 nhím cái đang sinh sản. Không chỉ nuôi nhím, ông Chiến còn trồng 2 ha keo, 8 sào ruộng, duy trì nuôi 20 đõ ong nội xung quanh vườn nhà. Ông còn nuôi thêm 3 con bò, trong đó có 2 con chuẩn bị đẻ. Thu nhập mỗi năm của ông hơn 150 triệu đồng.
Thôn 1, xã Lưỡng Vượng có trên 90 hộ là người dân tộc Cao Lan, sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Đồng ruộng ở đây chủ yếu là các khe, thung lũng nằm bao quanh các đồi núi, phụ thuộc vào thời tiết nên việc cấy, trồng không hiệu quả. Sau thời gian thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp có hiệu quả, ông Chiến không giữ cho riêng mình mà chia sẻ, vận động anh em trong gia đình và người dân trong thôn cùng phát triển mô hình này. Đến nay, thôn đã có 13 hộ nuôi ong, với 68 đàn ong, một số hộ thu nhập được từ 20 - 30 triệu đồng/năm từ bán mật ong. Thôn đã có 17 hộ nuôi nhím sinh sản, với trên 374 con, tạo việc làm cho trên 20 lao động có việc làm thường xuyên. Từ bán nhím, nhiều hộ “phất” lên trông thấy.
Diện mạo của thôn 1 có nhiều đổi thay.
Bà Trần Thị Bắc, người dân ở thôn 1 cho biết: “Ông Chiến hiền lành và tốt bụng lắm. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chăn nuôi, gia đình nào khó khăn ông còn hỗ trợ theo hình thức cho vay giống. Gia đình tôi cũng được ông Chiến truyền kinh nghiệm cho chăn nuôi nhím. Đến nay, gia đình bà đã có 16 chuồng nhím, với 50 con nhím. Mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ bán nhím.
Tháng 8 - 2021, ông Chiến vận động các hộ cùng tham gia thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi nhím sinh sản và thương phẩm. Ông Chiến được bầu làm tổ trưởng. Ở vai trò này, ông lại đứng ra liên hệ với các nhà hàng giúp các hộ tiêu thụ nhím giống và nhím thịt. Ông Chiến chia sẻ, hiện nay đầu ra cho sản phẩm đã ổn định tuy nhiên vẫn chưa đủ cung cấp thường xuyên theo nhu cầu của khách hàng. Tới đây, ông sẽ tiếp tục vận động các thành viên mở rộng quy mô chăn nuôi.
Khi được hỏi, tại sao về già ông không chọn nghỉ ngơi thì ông Chiến trầm ngâm bảo: “Tôi vẫn luôn tâm đắc những tư tưởng và lời dạy của Bác cho người đảng viên và cán bộ. Vì thế mình làm được cái gì, thì phải làm hết trách nhiệm với dân, với làng. Muốn người dân làm theo thì trước hết mình và gia đình mình phải làm gương để dân thấy, dân tin. Tuyệt đối không thể nói suông và làm những việc không có lợi cho dân”.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 Đỗ Đức Thanh nhận xét, ông Chiến đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc đổi thay diện mạo của thôn hôm nay. Nhờ có uy tín của ông Chiến với Nhân dân mà việc tuyên truyền, vận động bà con trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - trật tự, thực hiện các chính sách, pháp luật trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Nhiều vụ việc xích mích nhỏ đều được ông phối hợp cùng thôn hòa giải kịp thời; nhiều hộ dân nhờ nắm bắt các chính sách hỗ trợ mà kinh tế gia đình vươn lên khá giả; bà con đoàn kết xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... Vừa qua, ông Chiến được Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác dân tộc tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số của thành phố lần thứ IV.
Nguồn Báo Tuyên Quang Online