Xã hội ngày càng phát triển, nhưng đồng bào dân tộc Mông ở Hàm Yên luôn giữ gìn và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nét văn hóa truyền thống đặc sắc
Được thưởng thức một điệu múa do các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Mông thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương biểu diễn, chúng tôi cảm nhận được tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa truyền thống của người Mông nơi đây. Anh Hoàng Văn Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết, hiện CLB có 30 thành viên ở nhiều lứa tuổi, có chung niềm đam mê múa, hát theo tiếng khèn Mông. CLB sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần tại nhà văn hóa thôn. Tham gia vào CLB, các thành viên ngoài được học các làn điệu múa như: Múa khèn, đàn môi, múa Sênh tiền, múa mừng xuân mới; các làn điệu dân ca Mông, còn được tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình, học thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc Mông...
Đồng bào Mông thi bắn nỏ tại Ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Hàm Yên.
Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông cũng hết sức phong phú, người Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, đàn môi... Trong đó nổi bật nhất là Khèn Mông. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Thành thạo nhiều điệu múa, Khèn Mông hơn 60 năm nay, từ tình yêu dành cho cây Khèn Mông và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Lò Văn Tùng, 85 tuổi, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy cho con em trong thôn, xã từ động tác cầm Khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa Khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình. Đến nay, ông đã truyền dạy cho 6 người thành thạo Khèn Mông. Ông Tùng bảo, “để thành thạo Khèn Mông, người học phải học mất 3 năm liên tục. Do đó, để lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu. Sau này mình già đi, các con, các cháu sẽ là người giữ gìn và lưu truyền”.
Bản sắc văn hóa dân tộc còn thể hiện đậm nét thông qua bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt. Bắt nhịp xu hướng mới của cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang, nhưng những bộ váy áo dân tộc Mông cách tân vẫn tạo hoa văn, thêu, trang trí theo lối truyền thống làm nổi bật thêm những nét độc đáo của bộ trang phục này.
Chị Mã Thị Bí, thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm làm nghề thêu, may trang phục dân tộc từ nhiều năm nay. Không chỉ phục vụ gia đình, chị còn đầu tư máy móc, phụ liệu đa dạng mở cửa hàng may trang phục dân tộc Mông để phục vụ bà con. Ngoài các nét hoa văn truyền thống, chị còn tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet những hoa văn độc đáo, mới lạ, đẹp mắt của đồng bào dân tộc Mông ở nhiều nơi khác nhau để có các sản phẩm đẹp, phong phú. Ngoài bày bán tại nhà, chị Bí còn chụp mẫu, livestream bán váy áo qua các mạng xã hội. Cũng vì vậy, thu hút nhiều khách hàng là đồng bào Mông đang sinh sống tại các địa phương trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, mua sắm.
Trẻ em thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú trong trang phục truyền thống.
Không để văn hóa truyền thống bị mai một
Mặc dù những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông đã được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, nhưng việc bảo tồn vẫn chưa trở thành phong trào và có tính bền vững. Huyện Hàm Yên đã triển khai thực hiện Đề án 85 của UBND huyện Hàm Yên về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên; Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Bùi Văn Quyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Yên cho biết, triển khai các đề án, dự án, UBND huyện đã tổ chức tập huấn xây dựng mô hình gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; thành lập 3 CLB giữ gìn văn hóa, dân ca, dân vũ dân tộc Mông. Thời gian tới, huyện phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức phục dựng Lễ hội Gầu Tào tại xã Yên Lâm; tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc Mông.
Việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người Mông không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông.
Nguồn Báo Tuyên Quang Online