Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024 - 16:34 Đã xem: 14

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ đều do dân cử tra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” . Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.., nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” , không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội, dân chủ là một trong những thành tố quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Để cụ thể hóa chủ trương trên, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trên cơ sở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước "đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội"[1].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Sau 30 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Đảng ta đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời nêu những bất cập, hạn chế. Trên cơ sở đó với mục đích (1) hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. (2) Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. (3) Cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 91 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản về việc phối hợp triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật. Hội đồng nhân dân tỉnh và 100% Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã đã ban hành nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn; 137/137 xã, phường, thị trấn ban hành quy chế dân chủ theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý đã ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước có 10 lao động trở lên có tổ chức công đoàn, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; gần 80% thôn, tổ dân phố đã sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo tinh thần Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ.

Thanh Huyền, Ban Dân vận Tỉnh uỷ

 


[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngày 16 tháng 5 năm 2021.

Xem tin theo ngày:   / /