Ngày 15-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào 2 dự án luật trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Nhà giáo.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo, đại diện một số sở, ngành có liên quan; đại biểu các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các ý kiến tham gia đều cơ bản nhất trí với các nội dung và sự cần thiết việc ban hành các dự án luật và góp ý về một số vấn đề cụ thể. Đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu cho rằng đây là dự thảo được xây dựng nhằm kế thừa phát huy từ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được thực thi trong thời gian dài đến nay đã có những điểm không còn phù hợp. Do vậy những điểm mới đã được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tỉnh hình với thực tiễn.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà và các đại biểu dự hội nghị
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 5 chương 91 điều; bổ sung mới 26 điều và 5 khoản; sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản; bãi bỏ 2 khoản so với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 hiện hành. Đại biểu đề nghị các quy định trong dự thảo luật cần rõ ràng, cụ thể hơn, nhất là trong công tác thẩm tra, giám sát để phát huy vai trò của HĐND các cấp; quy định về việc giám sát của HĐND, thời gian, đối tượng giám sát; bổ sung thêm một số nội dung như quy định thời gian gửi báo cáo gửi HĐND để chủ động trong công tác thẩm tra…
Góp ý đối với Luật Nhà giáo, đại biểu cho rằng ở Chương 2 điều 9 nghĩa vụ của nhà giáo: đề nghị bổ sung ngoài nghĩa vụ nhà giáo cần thêm phần quan tâm giúp đỡ học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt, quy định rõ những việc nhà giáo không được làm; đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Đối với các chính sách hỗ trợ nhà giáo, đại biểu cho rằng việc miễn học phí đối với con đẻ con nuôi nhà giáo là không phù hợp, chỉ nên miễn giảm đối với trường hợp nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn. Đối với chính sách thu hút nhà giáo cần quy định quy định rõ các chính sách thu hút và ưu tiên như: người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật là hết sức quan trọng. Tại hội nghị đã có 20 ý kiến của các đại biểu, các ý kiến đều rất tâm huyết và phản ánh đúng tình hình thực tiễn hiện nay đối với hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chính sách nhà giáo.
Đây là những ý kiến, căn cứ thực tế từ đó giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp báo cáo gửi Ban soạn thảo, tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị sau hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các đại biểu, cử tri tiếp tục nghiên cứu tham gia ý kiến đối với các dự thảo luật nêu trên, góp phần hoàn thiện hơn trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Từ đó bảo đảm luật khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
Nguồn Báo Tuyên Quang Online