Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024 - 11:01 Đã xem: 35

Tháng 10-2024 vừa qua, 4/7 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh là các sản phẩm chủ lực đặc sản, sản phẩm OCOP của huyện Yên Sơn. Đây là một tín hiệu vui trong việc người dân bước đầu đã nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng.

Những tín hiệu vui

UBND huyện Yên Sơn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp huyện và các đơn vị chức năng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân để có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm chất lượng. Đồng thời tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giúp người dân chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Người dân thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) thu hoạch bưởi trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.

Anh Nguyễn Thế Hải, Giám đốc HTX chuối sạch Chiêu Yên (Yên Sơn) chia sẻ: HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, máy sấy công nghiệp, nhà kính, phòng đóng gói. Việc sớm đầu tư hệ thống tưới nước giúp chất dinh dưỡng, nước, phân bón cung cấp đồng đều đến từng gốc cây, tiết kiệm chi phí lao động, không bị lãng phí nguồn nước tưới, đảm bảo việc cung cấp nước chủ động, tăng năng suất cây trồng.

Để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe khi đưa sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế, HTX nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã chủ động đầu tư quy trình khép kín chuyên nghiệp trong sản xuất trà ổi túi lọc gồm máy sấy lạnh, máy nghiền, máy trộn, máy đóng trà túi lọc “5 trong 1” giúp định lượng trà, đóng túi lọc, gắn chỉ, đính tem, đóng bao ngoài.

Anh Đỗ Thanh Kim, Phó Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Bình Minh cho biết, chiếc máy đa dụng “5 trong 1” này không chỉ giải phóng sức lao động, giảm nhân công mà còn tiết kiệm rất lớn chi phí sản xuất cho HTX. Cùng với đó, Bình Minh cũng năng động “phủ sóng” kinh doanh trên phần lớn các nền tảng mạng xã hội, từ các trang Ladaza, Shoppee; Fb, Zalo, Tiktok, Web cho đến các gian hàng thực tế tại Vincom Tuyên Quang, Flamingo Tân Trào. Tháng 10 vừa qua 2 sản phẩm trà ổi túi lọc và hoa đu đủ ngâm mật ong của HTX nông sản hữu cơ Bình Minh đã vinh dự là 2 trong tổng số 4 sản phẩm nông sản của Yên Sơn đặt chân được đến một trong những thị trường nổi tiếng “khó tính” của Châu Âu, thị trường Vương Quốc Anh.

Ở xã Xuân Vân, vườn bưởi 4 ha của gia đình ông Trịnh Văn Thịnh thôn Soi Đát nổi tiếng với hệ thống giàn tưới tiêu tự động quy mô nhất xã được đầu tư trị giá lên đến gần 400 triệu đồng. Khu vườn của gia đình ông, ngoài 2 loại bưởi chủ đạo: bưởi lá nhăn và bưởi cát quế, còn trồng xen canh cả cam, ổi, hồng xiêm, chanh. Ông Thịnh bảo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mình hoàn toàn chủ động được về thời gian, chẳng hạn như không nhất thiết phải lãng phí thời gian ban ngày cho việc tưới cây, mình chỉ cần đóng/mở cầu dao, hệ thống tưới tự động sẽ tưới cho cây vào ban đêm. Hiện nay, gia đình ông còn làm thêm mảng vườn ươm, tạo việc làm cho 8 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 250.000 đồng đến 1 triệu đồng/1 ngày. “Vườn mẫu” mỗi năm cho thu hoạch trên 100 tấn quả, mang lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng/1 năm.

Cần tháo gỡ nhiều rào cản

Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp người dân giảm chi phí sản xuất, loại bỏ bớt các khâu trung gian, từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành từ phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng công nghệ số chưa đồng bộ, chi phí cao, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực tiếp cận khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế. Đây chính là một trong những rào cản không nhỏ hạn chế người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) chào hàng trên 50 sản phẩm chủ lực của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu đều được lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát chặt chẽ về chất lượng. Cùng với đó, các HTX trên địa bàn huyện Yên Sơn cũng đã bước đầu tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ trong quá trình chế biến. Những nỗ lực này đã giúp nâng cao năng suất, kéo dài thời gian bảo quản, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Phát triển dựa trên công nghệ là hướng đi phát triển xanh, bền vững. Vì vậy, thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn trong việc nâng cấp, tiến tới xây dựng hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, thiết lập nền tảng dữ liệu số, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ cho nông dân, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hữu cơ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ khi đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn Báo Tuyên Quang Online

Xem tin theo ngày:   / /