HĐND tỉnh nghe, xem xét các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp

Thứ Năm, ngày 16 tháng 12 năm 2021 - 08:18 Đã xem: 458

Chiều nay 15-12, Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục nghe, xem xét các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

16h50: Kết thúc phiên làm việc buổi chiều

Sáng mai 16-12, kỳ họp thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2021; phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022. Báo Tuyên Quang online sẽ truyền hình trực tiếp phiên thảo luận.

15h20: Kỳ họp xem xét các dự thảo nghị quyết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn.

Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.396 tỷ đồng, tổng thu ngân sách địa phương gần 11.751 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương trên 11.635 tỷ đồng…Theo báo cáo thẩm tra, một số khoản thu và khoản chi ngân sách không đạt kế hoạch giao.

Đại biểu Tăng Thị Dương.

Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn vấn đề việc đảm bảo chi thường xuyên ngân sách tỉnh; việc bố trí kinh phí năm 2022 phòng chống Covid-19 ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên cho biết, về nguyên tắc, dự toán Trung ương giao bao nhiêu thì tỉnh phải giao hết. Tuy nhiên, kinh phí quyết toán của tỉnh chỉ đạt 88%. Trong quá trình tổ chức điều hành, các cấp, các đơn vị có thể tiết kiệm chi để chuyển chi đầu tư. Khi chi đầu tư xong mới quyết toán, do đó chi đầu tư sẽ lớn hơn so với dự toán đầu năm và tỷ lệ chi thường xuyên sẽ thấp hơn. Đối với kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh cân đối theo nhiệm vụ chi của tỉnh và chi từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương.

100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên.

Dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022- 2025 nêu rõ, Quy định gồm 3 chương, 10 điều, quy định cụ thể các khoản thu ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã hưởng 100%; các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách địa phương…

97,96% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu biểu quyết bằng máy tính bảng.

Dự thảo Nghị quyết quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025 gồm 4 chương, 29 điều. Quy định nêu rõ định mức phân bổ chi thường xuyên cho các đơn vị dự toán ngân sách; định mức phân bổ và mức hỗ trợ cho các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; định mức phân bổ chi các lĩnh vực sự nghiệp.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết thêm về căn cứ xây dựng một số định mức chi thường xuyên mới so với giai đoạn 2017 - 2020; với định mức phân bổ chi cho các xã, phường, thị trấn sẽ đáp ứng được bao nhiêu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động môi trường khác.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên làm rõ, việc xây dựng một số định mức chi thường xuyên được căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy định của pháp luật. Giải pháp về mức chi cho vấn đề vệ sinh môi trường là cần huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, đồng thời quản lý tốt việc thu phí vệ sinh môi trường; lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ về vệ sinh môi trường phù hợp.

Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo kịp thời thực hiện các giải pháp để đảm bảo vấn đề sự nghiệp môi trường.

97,96% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.

14h45: Báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Lợi.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý và bảo trì công trình giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018 - 2020 nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp thực hiện việc quản lý và bảo trì công trình giao thông đường bộ, việc quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện, chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020 có chuyển biến tích cực. 

Đại biểu dự kỳ họp.

Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế: tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho người lao động của Hạt Quản lý giao thông các huyện chưa thống nhất, còn nhiều khó khăn; phương thức giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông trên địa bàn các huyện, thành phố chưa đảm bảo quy định.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc; nhận thức của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn thói quen chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, cố tình lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ...

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Vũ Thị Giang.

Kỳ họp nghe Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, công tác tuyên truyền, triển khai, rà soát công khai cải cách thủ tục hành chính được thực hiện đầy đủ; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông có chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng và trước thời hạn.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế; việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công ích chưa hiệu quả; tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ, quá thời hạn quy định, nhất là hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh thực hiện một số nội dung như: chỉ đạo các cơ quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thường xuyên kiểm tra thực hiện cải cách thủ tục hành chính; quan tâm bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trong cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Thị Hà.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế và Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2020. Trong 3 năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 76.270 vụ việc vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, các ngành chức năng đã thực hiện 31 cuộc thanh tra, kiểm tra…

Qua giám sát, việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn bộc lộ hạn chế như: việc áp dụng nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính có lúc chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính công bằng, khách quan theo quy định pháp luật; tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của một số vụ việc chưa đảm bảo theo quy định pháp luật; việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao…

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy về xử lý vi phạm hành chính…

14h00: Kỳ họp nghe các báo cáo

Các đại biểu nghe báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá XIX.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai.

Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc cử tri ở 61 điểm tại trung tâm các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố. Cử tri đã có 153 kiến nghị thuộc các lĩnh vực. 

Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn những vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm và có nhiều ý kiến, kiến nghị để thực hiện phiên giải trình giữa 2 kỳ họp. Đến hết tháng 11-2021 đã có 153/153 kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố xem xét, giải quyết, trả lời. Trong đó: 83 kiến nghị đã giải quyết, trả lời xong, đạt 54,25%; 43 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết và đã có lộ trình thực hiện, đạt 28,1%; 19 kiến nghị được UBND tỉnh tiếp thu nhưng do khó khăn về nguồn lực nên chưa thực hiện được, chiếm 12,42%; 8 kiến nghị được trả lời nhưng chưa giải quyết xong, chiếm 5,23%.

Báo cáo cũng chỉ rõ, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm; có nội dung chỉ đạo chưa giải quyết dứt điểm vấn đề cử tri kiến nghị; một số kiến nghị đã được chỉ đạo giải quyết nhưng chưa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri; nhiều kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết trong báo cáo giám sát tại các kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các tổ đại biểu, đại biểu HĐND, UBND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương khắc phục hạn chế, giải quyết kịp thời, đầy đủ kiến nghị chính đáng của cử tri.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phùng Tiến Quân.

Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khoá XIX.

Trước kỳ họp, các đại biểu đã tiếp xúc cử tri tại 26 điểm, có 90 kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết cấp tỉnh; 131 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, xã đã được tiếp thu, trả lời trực tiếp tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Các kiến nghị thuộc các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng, giao thông, thủy lợi, điện, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, chế độ, chính sách.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Xuân Hùng.

Báo cáo của Viện KSND tỉnh về kết quả công tác của ngành Kiểm sát năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 nêu: 10 tháng năm 2021, Cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố mới 596 vụ án, 1.048 bị can (tăng 8 vụ, 82 bị can so với cùng kỳ năm 2020). Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được tiến hành chặt chẽ. Viện KSND hai cấp chú trọng nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra, bảo đảm việc bắt, tạm giam, tạm giữ có căn cứ, đúng pháp luật; chú trọng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Năm 2022, ngành Kiểm sát tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ, phương hướng chủ yếu nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

 

Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Nguồn Báo Tuyên Quang Online

Xem tin theo ngày:   / /